Không có vụ nổ Big-bang. Cũng chẳng có bước nhảy Alpha. Ngành nha hiện nay không phải được hình thành từ một khoảnh khắc, “Nha Khoa” đã trải qua quá trình phát triển liên tục từ hàng ngàn năm về trước.
Hãy cùng Nha Khoa Miền Trung tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của ngành nha Thế giới.
Mục Lục Bài Viết
1. Lịch sử hình thành và phát triển của ngành Nha Khoa Thế Giới
- 7000 B.C: Nha khoa được cho là đã bắt đầu từ năm 7000 Trước Công Nguyên tại Nền văn minh lưu vực sông Ấn
- 2600 B.C. – Sự “ra đi” của Hesy-Re – người được cho là “nha sĩ” đầu tiền
- 500 to 100 B.C. – Hippocrates, Aristotle và Celsus viết về nha khoa và sức khỏe răng miệng
- 1530 – Artzney Buchlein, cuốn sách đầu tiên dành riêng cho nha khoa được xuất bản ở Đức
- 1723 – Cha đẻ của Nha khoa hiện đại Pierre Fauchard đã xuất bản Le Chirurgien Dentiste, trở thành người đầu tiên mô tả toàn diện về thực hành Nha khoa.
- 1790 – John Greenwood – nha sĩ được Tổng Thống Mỹ George Washington tin tưởng nhất – phát minh ra “dental foot engine”
- 1825 – Samuel Stockton bắt đầu sản xuất răng sứ cho mục đích thương mại
- 1832 – Chiếc ghế nha khoa đầu tiên được phát minh bởi James Snell
- 1833 – Edward Crawcour là cháu trai của ông Moses Crawcour giới thiệu chất trám Amalgam tại Hoa Kỳ
- 1839 – Charles Goodyear phát minh ra hàm giả làm bằng cao su lưu hóa cho mục đích kinh tế.
- 1840 – Trường nha khoa đầu tiên trên thế giới Baltimore College of Dental Surgery (tạm dịch: Trường Cao đẳng Phẫu thuật Nha khoa Baltimore) được thành lập bởi Horace Hayden và Chapin Harris.
- 1841 – Đạo luật hành nghề nha khoa đầu tiên được ban hành tại Alabama.
- 1846 – William Morton tiến hành cuộc biểu tình công khai thành công đầu tiên về việc sử dụng thuốc mê ether.
- 1880s – Kem đánh răng dạng ống bắt đầu sản xuất hàng loạt và tiếp thị đại trà.
- 1882 – Codman và Shurtleff tạo ra chỉ nha khoa không sáp, sẵn sàng cho mục đích thương mại.
- 1895 – C. Edmund Kells tại Hoa kỳ lần đầu tiên áp dụng X-quang vào nha khoa.
- 1899 – Các dạng của bệnh Sai khớp cắn được phân loại bởi Edward Hartley Angle.
- 1903 – Charles Land phát minh ra Mão jacket sứ (PJC)
- 1938 – Bàn chải đánh răng nylon được đưa vào thị trường.
- 1945 – Newburgh, New York và Grand Rapids, Michigan, Hoa Kỳ bắt đầu fluorid hóa hệ thống nước công cộng.
- 1950 – Kem đánh răng Fluoride lần đầu tiên được bán trên thị trường.
- 1957 – John Borden khởi đầu kỉ nguyên “nha khoa tốc độ cao” với chiếc tay khoan của mình
- 1958 – Chiếc ghế nha khoa hoàn chỉnh được giới thiệu ra thị trường.
- 1960 – Bàn chải đánh răng điện dùng cho thương mại đầu tiên xuất hiện ở Hoa Kỳ.
- 1990 – Thời đại của nha khoa thẩm mỹ phát triển mạnh mẽ với các vật liệu phục hình răng với nhiều màu sắc, vật liệu tẩy trắng, veneers và implants.
- Thế kỉ 21 – Đánh dấu bước đột phát trong việc áp dụng công nghệ vào chuẩn đoán và điều trị bệnh răng miệng. Tiêu biểu là Công nghệ CEREC. Những nghiên chuyên sâu về sức khoẻ răng miệng ngày càng nhiều. Tầm quan trọng của chăm sóc răng miệng đối với sức khoẻ được quan tâm nhiều hơn bất kì thời điểm nào trong lịch sử
Lịch sử Nha khoa Thế Giới
2. PIERRE FAUCHARD – Người cha đẻ của nha khoa hiện đại
Pierre Fauchard (1678 – 1761), người Pháp, tác giả cuốn “Le Chirurgien Dentiste, ou Traité des Dents” (1728) (Người Nha sĩ, hay Chuyên luận về Răng – Surgeon Dentist, or, Treatise on the Teeth) được coi là Người cha của nha khoa hiện đại.
Fauchard sinh ở Brittany, năm 15 tuổi, ông bắt đầu học phẫu thuật với nhà phẫu thuật Alexandre Poteleret, người có sự quan tâm đến các bệnh vùng miệng và phục vụ trên tàu của hải quân Hoàng gia Pháp. Trong thời gian làm việc trên biển, Fauchard đã gặp nhiều bệnh vùng miệng của thủy thủ, trong đó có bệnh thiếu vitamin C vốn khá phổ biến thời đó và không phải chỉ có trên những người đi biển dài ngày. Sau ba năm làm việc trên tàu chiến, ông đã trở thành một chuyên gia về các bệnh vùng miệng.
Năm 1670, sau thời gian phục vụ quân đội, ông mở phòng khám nha khoa lần lượt tại nhiều nơi ở Pháp: Angers, Tours, Rennes. Ông đã nỗ lực làm việc, đọc tài liệu để khắc phục việc học tập còn nhiều khiếm khuyết trước đây. Ông cũng tìm đến những người thợ thủ công, từ thợ làm đồng hồ, thợ kim hoàn đến thợ gốm sứ…để nghiên cứu và áp dụng các kỹ thuật và dụng cụ trong nha khoa. Với năng lực vượt trội, sự tận tâm và phương pháp khoa học, ông trở nên nổi tiếng, nhiều người bệnh phải di chuyển một khoảng cách xa để được ông điều trị. Năm 1719, ông định cư và mở phòng khám tại đường Fosses St. Germain (cũng còn gọi là đường Comédie Française) trong Đại học Circle, Paris với danh xưng “Phẫu thuật viên-Nha sĩ” (“Chirurgien-Dentiste” / surgeon-dentist), đây là danh xưng lần đầu tiên được sử dụng. Trong thế kỷ 18, thời đại Khai sáng, Paris được coi là trung tâm học tập của Châu Âu. Ông nhanh chóng được thừa nhận như một nha sĩ nhạy bén và có kỹ năng siêu việt. Ông hành nghề rất thành công, thu hút ngày càng nhiều những người bệnh trong giới tinh hoa cũng như các bác sĩ và phẫu thuật viên nổi tiếng của trường: Helvétius, Hecquet, Winslo.
Năm 1729, ông kết hôn với Elisabeth Chemin, con gái của một gia đình danh giá ở Rennes. Năm năm sau, họ mua một lâu đài nhỏ ở phía nam Paris và có một người con trai. Fauchard mất và được hỏa táng năm 1761 ở Paris. Người kế tục thực hành nha khoa của ông là ngài Duchemin, em rể và là học trò của ông. Nha khoa thời Fauchard còn ở tình trạng sơ khai. Không có chương trình đào tạo chính qui và chưa có điều luật chính thức để điều chỉnh. Có một vài sách về nha khoa mà nhiều cuốn được các phẫu thuật viên tổng quát viết, chỉ có vài đoạn hữu ích cho nha khoa.
Quá trình học tập của Fauchard có những bí ẩn, được Angot lý giải như sau: Ông bắt đầu được học về phẫu thuật trong hải quân… Năm 20 tuổi, ông bắt đầu hành nghề nha khoa. Khi đó, hành nghề nha khoa còn hỗn độn, không được kiểm soát tốt. Từ năm 1699 ở Paris, đã tổ chức kỳ thi bắt buộc để được nhận chức danh “chuyên viên nha khoa” (dental expert/expert pour les dents), Fauchard đã vượt qua kỳ thi vào khoảng năm 1708 ở Paris. Một thời gian ngắn sau, ông học và trở thành chuyên gia phẫu thuật (master-surgeon/maître chirurgien) khoảng 1714 – 1717. Từ 1715, ông đã tham gia mổ cùng với những phẫu thuật viên nổi tiếng thời đó, và ông không thể thực hiện việc này nếu chỉ có chức danh “chuyên viên nha khoa” do những luật lệ khắt khe của College Saint-Côme. Chức danh này của Fauchard đã được tìm thấy trong danh sách đăng ký của Hội (company) năm 1758. Trang tác giả của cuốn sách cũng cho thấy rõ: “Par Pierre Fauchard, Chirurgien Dentiste à Paris”. Như vậy, Fauchard đã trải qua một quá trình học tập lâu dài và nghiêm túc.
3. Cuốn sách “Người Nha sĩ, hay Chuyên luận về Răng”
Cuốn “Le Chirurgien Dentiste ou Traité des Dents” (Người Nha sĩ hay Chuyên luận về Răng) gồm hai tập, xuất bản ở Paris lần đầu năm 1728 dày trên 783 trang, lần thứ hai năm 1746 (được xem lại, bổ sung và sửa chữa, dày trên 919 trang) và lần thứ ba năm 1786 (25 năm sau khi ông mất). Quyển sách của Fauchard là một tổng hợp kiến thức nha khoa vào đầu thế kỷ 18, mang tính hệ thống, khoa học và toàn diện đầu tiên. Thông qua quyển sách, Fauchard đã thiết lập nên một nghề mới mà sau này, trở thành một ngành được đào tạo ở bậc đại học. Cuốn sách đã gây tiếng vang lớn và có tác động đối với sự ra đời của nha khoa hiện đại: “Fauchard không theo chủ nghĩa kinh nghiệm mà đã có công xứng đáng vì đã viết ra toàn bộ kiến thức đương thời về lĩnh vực nha khoa…với điều đó, Fauchard trở thành người khởi xướng cho con đường độc lập của nha khoa”. Ông mất đi, “để lại một nền tảng nha khoa độc lập, tách khỏi phẫu thuật và những lang băm, phù thủy”.Đây là “cuốn sách giáo khoa thực sự đầu tiên về nha khoa, một chuyên luận được trình bày sáng sủa và toàn diện về toàn bộ phổ hành nghề nha thế kỷ 18. Ông đã đặt ra tiêu chuẩn cao hơn, biến tính chất thủ công trong nha khoa thành một nghề trong các chuyên ngành y khoa và phẫu thuật”. Cuốn sách đã được dịch sang tiếng Đức năm 1733, nhưng đến 1946 mới có bản dịch ra tiếng Anh.
Nội dung cuốn sách rất phong phú, ông chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật về hầu hết các lĩnh vực kiến thức và thực hành, một việc mà thời đó, những người hành nghề nha thường giấu kín, chứng tỏ ước muốn nâng cao kiến thức và kỹ thuật cho đồng nghiệp của ông. Ông lấy làm tiếc về việc thiếu trường lớp chính thức để phát triển khoa học và nghệ thuật nha khoa trong thế kỷ 18 ở Pháp:
Không có một ghi nhận nào về lớp học phẫu thuật về chuyên ngành, nơi lý thuyết về bệnh răng có thể được giảng dạy đầy đủ, và nơi mà thông qua sự hướng dẫn về thực hành vốn rất cần thiết trong điều trị bệnh. Các nhà phẫu thuật đã bỏ qua những phần của nghệ thuật nha khoa, không quan tâm đến nó, đưa đến sự gia tăng số người hành nghề không được học tập lý thuyết và thực hành, làm giảm giá trị của ngành nghề.
Fauchard cáo buộc những lang băm không được đào tạo và hành nghề vô nguyên tắc đã đưa đến sự khinh bỉ cho những nỗ lực (của nhưng người hành nghề chân chính) đáng được tôn trọng:
Sự lừa lọc phổ biến là sử dụng “vàng lá” để trám răng, được thực hiện bằng những miếng chì hoặc thiếc trông giống vàng hoặc phủ vàng lá ở trên cùng. Họ cũng làm ra vẻ một chuyên gia với những dụng cụ lạ mắt nhưng vô ích để gây ấn tượng với khách hàng.
Ông lấy làm tiếc rằng hầu hết chăm sóc nha khoa được thực hành bởi những người tay ngang (tài tử) không có tay nghề và cộng đồng đang bị bỏ quên vì họ sợ hãi các “nha sĩ” này. Fauchard phản đối vị trí bênh nhân đặt thấp (ngồi hoặc nằm dưới đất). Từng qui trình, liệu pháp điều trị được mô tả rõ ràng, tỉ mỉ: Bệnh nhân ngồi trên ghế có tựa tay, ngay ngắn, chắc chắn và tiện nghi với gối mềm tùy theo vóc dáng của bệnh nhân và phù hợp với nha sĩ…Việc nhổ răng cần cân nhắc cẩn thận, răng sữa càng giữ được lâu càng tốt. Điều trị sâu răng bằng cách làm sạch lỗ sâu bằng nạo, rửa sạch rồi trám lại bằng chì với lực nén mạnh; ông mô tả lỗ trám cho nhiều vị trí của từng răng. Việc lấy cao răng cũng được trình bày và được cho là có tác dụng phòng bệnh. Ông lưu ý cần chú ý tránh làm gãy hoặc người bệnh nuốt phải dụng cụ chữa tủy. Các nang do răng được Fauchard mô tả cách điều trị là sau khi nhổ răng, mở rộng lỗ của nang đến nền xương để ngăn chặn vết thương khép lại sớm, bơm thuốc vào hốc xương đến ngày thứ 25. (Cần chú ý là bản chất của nang còn chưa được biết rõ ở thời Fauchard).
Có thể nêu nhiều đóng góp còn có giá trị đến ngày nay của Fauchard: ông là người đầu tiên dùng từ “nha chu” để chỉ mô quanh răng; dùng từ “sâu răng” để chỉ bệnh sâu răng; ông phản đối “con sâu” gây sâu răng; ông mô tả chân răng sữa (quan niệm phổ biến thời đó là răng sữa không có chân) …Fauchard đã nói về việc răng vĩnh viễn di gần nếu răng cối sữa bị nhổ sớm. Ông cũng mô tả điều chỉnh răng lệch lạc bằng cách buộc răng đó vào một nẹp bằng vàng hoặc bạc có đục lỗ tựa vào các răng còn lại, như vậy, có thể coi ông là nhà chỉnh hình răng đầu tiên.
Về phục hình, Fauchard mô tả chi tiết các kỹ thuật và sáng tạo các phương pháp để người đọc có thể làm theo mà không giấu giếm như thói quen của những người cùng thời.
Những vật liệu tốt nhất để làm răng thay thế là răng người, ngà voi, xương hà mã và răng nanh hải mã. Để dùng răng người, cần giũa bỏ chân răng, trám lại bằng chì, khoan thân răng và buộc với những răng bên cạnh; cũng có thể cố định răng bằng nẹp vàng hoặc bạc. Để chuẩn bị làm răng chốt, mài nhẵn mặt chân răng cần thay thế, chốt được khía và cố định vào thân răng bằng xi măng cao su, sau đó đưa vào ống chân răng, lèn chặt sợi gai dầu hoặc lanh để cố định. Thiết kế các cầu răng được cố định bằng buộc vào các răng còn lại hoặc bằng chốt cũng được Fauchard minh họa lần đầu tiên (hình…192, 193 Axth). Răng giả toàn hàm hàm dưới được điêu khắc từ xương, hàm trên được giữ bằng lò xo làm từ phiến sừng hàm cá voi (whalebone) quấn phủ dây kim loại hoặc bằng thép đàn hồi. Các răng giả của Fauchard không được điêu khắc múi – rãnh cũng như ông chưa quan tâm đến kích thước dọc (hình…194, 196 Axth). Tuy kiểu hàm toàn bộ có lò xo không mới (xem thế kỷ 16), thời đó, hàm giả ít khi dùng được để ăn, mà chủ yếu có tác dụng thẩm mỹ và nói, gọi là hàm để đi diễu (“dents de parade”). Fauchard đã có những tiến bộ nhất định, ông gọi những hàm giả như vậy là bộ máy (machine), có lẽ phản ánh sự đồng điệu với triết lý của nhiều nhà y học đương thời, trong đó, con người được mô tả bằng những thuật ngữ cơ khí.
Thiết kế và chế tác hàm bịt đã được Fauchard phát triển và cải tiến quan trọng so với thời kỳ Paré. Ông đã hướng dẫn và chế tác năm thiết kế hàm bịt khác nhau cho các trường hợp: hai loại cho người còn răng, hai loại cho người mất răng và một loại cho phụ nữ bị mất răng cửa.
Về sự ra đời của cuốn sách
Vào thời Fauchard, thực hành nha khoa chủ yếu gồm hai nhóm người: một là những người không qua đào tạo: “thợ nhổ răng” (tooth-puller), họ có mặt ở các hội chợ vùng nông thôn, họ thường sử dụng các mánh khóe xảo thuật và thần chú (spell) để điều trị đau răng và các bệnh răng và được những người nghèo gửi gắm. Hai là những người đã qua một dạng đào tạo nào đó, thường là phẫu thuật hơn là nha khoa nhưng có kỹ năng và đáng tin cậy hơn; những người thuộc tầng lớp trung lưu và cao hơn thường đến với họ.
Fauchard cho rằng nha khoa cần được xem như một nghề phải qua đào tạo, vì vậy, ông cần sự ủng hộ của giới y khoa và phẫu thuật cho một quyển sách giáo khoa về một nghề mới, một công trình đầy đủ đầu tiên về nha khoa có ảnh hưởng lớn trước khi được xuất bản. Fauchard đã hoàn thành bản thảo cuốn “Le Chirurgien Dentiste” vào năm 1723. Quá trình ra đời của cuốn sách vào đầu thế kỷ 18 được Andrew Spielman thuật lại cho thấy trong 5 năm trước khi được in ra (1723-1728), Pierre Fauchard đã lần lượt có được sự đóng góp ý kiến và sự đồng tình của 19 đồng nghiệp: sáu bác sĩ, 12 nhà phẫu thuật và một phẫu thuật viên nha. Họ đều là những nhà khoa học và nhà lãnh đạo chuyên môn nổi tiếng, có uy tín. Người đóng góp đầu tiên và quan trọng nhất vào bản thảo là Jean Devaux, nhà phẫu thuật và người cố vấn nhiều kinh nghiệm của Fauchard; sáu nhà bình luận tiếp theo là những bác sĩ nổi tiếng thời bấy giờ: Philippe Hecquet, Jean Claude, Adriene Helvetius, Jean baprise Silva, Atoine De Lussieu, Raymomd Jacob Finot và Antoina Benignus Winslow. 12 nhà bình luận tiếp theo là những nhà bình luận đã qua tuyên thệ (được chứng nhận bởi St Come) kể cả một phẫu thuật viên nha duy nhất: Landumiey, phẫu thuật viên nha cho nhà vua Tây Ban Nha Philip V. Bản thảo đầu tiên gồm 600 trang viết tay, sau nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung theo ý kiến của các bác sĩ và phẫu thuật viên, đã tăng lên thành 783 trang, nhiều ý kiến là của chính những người được Fauchard điều trị. Ông có được sự tán thành của giới y khoa và phẫu thuật đương thời, trở thành một nhà tiên phong và trở thành một người hàng đầu của “phẫu thuật viên-Nha sĩ” (“chirurgien-dentiste”), một chức danh nghề nghiệp do chính ông đặt ra và sử dụng cho bản thân mình. Từ mới này nói lên tôn ty xã hội, đồng thời để phân biệt với những người làm nha khoa không được huấn luyện.
Trong bản thảo cuối cùng của quyển sách còn được lưu trữ ở thư viện trường Y Paris với 783 trang. Qua giám định, người ta thấy có chữ viết của ít nhất ba người. Phần chính của cuốn sách là của Fauchard với những lỗi chính tả thường thấy ở thế kỷ 18 (Fauchard không được học tập một cách chính qui mà phải ra đời làm việc rất sớm, hơn nữa những lỗi chính tả không bị xem như những khuyết điểm lớn). Những chữ viết tay ở lề trang sách chứng tỏ trình độ uyên bác hơn, có thể là của Jean Devaux, người duyệt đầu tiên của bản thảo…
Như vậy, cuốn “Le Chirurgien Dentiste”, tuy “cũng còn sót lại rải rác những mảnh (sai lầm) thời cổ đại và trung cổ”, là kết quả của quá trình học và tự học, khả năng thực hành đa lĩnh vực, uy tín chuyên môn và nhân cách cũng như cách làm việc trọng thị của Pierre Fauchard. Chính những điều đó đã làm cuốn sách trở thành tác phẩm mở đường cho nha khoa độc lập và tác giả nó được coi là Người Cha của nha khoa hiện đại.
Xem thêm bài viết: Lịch sử chông gai của nha khoa – như đứa con bị ghẻ lạnh bởi cả nền y học
Nguồn tham khảo: denthusiast.com