Niềng răng là phương pháp chỉnh nha sử dụng các khí cụ để điều chỉnh răng về đúng vị trí trên cung hàm. Nó có thể điều trị các khiếm khuyết như hô, móm, lệch lạc,… giúp cải thiện tính thẩm mỹ đồng thời bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Tuy nhiên trên thực tế không phải ca niềng răng nào cũng thành công, có rất nhiều trường hợp niềng răng bị hỏng không mang lại kết quả tốt sau điều trị hoặc nghiêm trọng hơn là để lại các di chứng cho người niềng răng. Vậy các dấu hiệu nhận biết niềng răng bị hỏng? Và cách khắc phục khi niềng răng không đúng kỹ thuật? Hãy cùng Nha khoa Miền Trung tham khảo bài viết dưới đây nhé!
Mục Lục Bài Viết
1. Các dấu hiệu niềng răng bị hỏng, không đúng kỹ thuật
1.1 Chân răng bị bật ra khỏi xương hàm, tiêu cụt chân răng
Thông thường chân răng sẽ nằm ở vị trí trung tâm xương hàm, với những bệnh nhân có xương hàm mỏng thì chân răng có thể nằm lệch về bên ngoài hoặc bên trong. Dù nằm ở đâu thì chân răng lúc nào cũng chắc chắn và được bao phủ bởi một lớp xương.
Tình trạng chân răng bị bật ra khỏi xương hàm do trong quá trình niềng răng bị di chuyển với lực quá lớn, bác sĩ sử dụng kỹ thuật di chuyển răng bị sai dẫn tới bật chóp răng hoặc cổ răng bị chệch ra mặt ngoài xương hàm hoặc vào mặt trong xương. Nếu phát hiện sớm bác sĩ có thể thay đổi hướng torque để xoay chân răng trở lại. Còn với các trường hợp đã quá nặng, bị tiêu vùng cổ hoặc chóp chân răng thì sẽ rất khó để cứu vãn được nữa.
Bạn có thể nhận biết tình trạng này bằng cách sờ vào chân răng tương ứng với vùng chóp ngoài xương hàm, thỉnh thoảng có thể cảm nhận được chân răng nằm lệch về phía ngoài. Tuy nhiên dấu hiệu không chính xác lắm vì nó cũng có thể là bản xương gồ lên. Cách nhận biết chính xác nhất là đi chụp phim conbean CT.
Tiêu cụt chân răng là chân răng bị thu ngắn chiều dài so với trước khi điều trị. Nguyên nhân đến nay vẫn chưa rõ ràng, có thể do thời gian niềng quá lâu hơn 3 – 4 năm hoặc do cơ địa từng bệnh nhân.
1.2 Bị lệch mặt, lệch đường giữa
Quá trình di chuyển răng với mục tiêu cuối cùng là có được đường giữa thẳng trục với trục khuôn mặt, tức là đường giữa răng hàm trên phải trùng với đường giữa răng hàm dưới và trùng với nhân trung, đỉnh mũi cũng như điểm chính giữa trán trên khuôn mặt. Khi đạt được đường thẳng trục này thì khuôn mặt sẽ hoàn toàn cân đối, đây chính là tiêu chí thẩm mỹ quan trọng sau khi kết thúc niềng răng.
Lệch đường giữa do chỉnh nha sai kỹ thuật
Tuy nhiên các bạn cũng cần lưu ý có những trường hợp bị lệch mặt bẩm sinh, mũi bị lệch, xương hàm dưới có độ dài không giống nhau thì việc chỉnh nha không thể làm thay đổi được sự lệch mặt bẩm sinh đó. Lúc này bạn cần thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ nếu muốn có gương mặt cân đối bởi niềng răng chỉ là quá trình đi chuyển và sắp xếp lại răng mà thôi.
1.3 Bị hở lợi nặng hơn sau khi niềng, răng bị quặp vào trong mất thẩm mỹ
Nguyên nhân bị cười hở lợi sau niềng răng là do khi kéo răng, kéo khối răng trước lui sau không đúng kỹ thuật. Vì vậy làm cho hàm trên vừa bị di chuyển ra sau nhưng cũng vừa đi xuống dưới làm xuất hiện tình trạng răng quặp vào trong, cười hở lợi, cắn sâu.
Hình ảnh cười hở lợi do chỉnh nha và sau khi được khắc phục
Để khắc phục tình trạng này bác sĩ vẫn sẽ cho bạn đeo mắc cài và đánh lún toàn bộ khối xương hàm trên hoặc đánh lún cục bộ khối răng trước bị quặt. Quan trọng là nha sĩ phải biết kiểm soát lực kéo chính xác khi đóng khoảng vì việc đánh lún sửa chữa sau khi điều trị rất mất thời gia. Bạn gần như phải trải qua thêm một liệu trình niềng răng mới nếu định sửa chữa ở nơi khác
1.4 Niềng răng hỏng do gắn sai mắc cài
Niềng răng là cách sử dụng khí cụ niềng răng như mắc cài, dây cung, các khí cụ hỗ trợ để di chuyển răng về đúng vị trí. Chính vì vậy mắc cài là đơn vị quan trọng, cơ bản và đầu tiên trong điều trị niềng răng. Nếu gắn sai mắc cài sẽ làm hỏng toàn bộ kế hoạch điều trị, di chuyển răng không kiểm soát.
Hiện nay có rất nhiều vị trí để gắn mắc cài với các triết lý khác nhau tùy theo từng bác sĩ như: gắn lệch về phía thân răng, gắn giữa răng hoặc gắn lệch về phía cổ răng. Chính vì vậy bạn không thể chỉ nhìn một bức ảnh mà đánh giá bác sĩ gắn không đúng vị trí, phải xem bác sĩ có giải thích được cho bệnh nhân hiểu lý do gắn mắc cài tại vị trí đó không? Khi kết thúc điều trị răng sẽ ở vị trí nào. Nhìn chung việc gắn mắc cài cần tiến hành thận trọng tránh mất thời gian sửa chữa về sau.
1.5 Tụt lợi sau khi niềng răng
Theo một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy mỗi năm có tới 400.000 bệnh nhân niềng răng bị tụt lợi trong đó tỷ lệ bệnh nhân bị tụt lợi không mong muốn chiếm 10%. Đôi khi việc tụt lợi khi niềng răng là điều không thể tránh khỏi nhưng quan trọng là bác sĩ thực hiện niềng răng phải dự đoán được để thông báo trước cho bệnh nhân, để bệnh nhân sẵn sàng tâm lý thực hiện các điều trị bổ sung hoặc lựa chọn phương pháp khác ngoài niềng răng. Nếu chỉ có một vài điểm tụt lợi nhỏ sẽ không gây ảnh hưởng tới kết quả niềng răng tổng thể.
Tụt lợi còn có thể liên quan tới việc di chuyển răng quá mức đặc biệt là nghiêng răng cửa ra ngoài, làm trồi hoặc xoay răng. Để khắc phục tình trạng này phải chuyển sang bác sĩ nha chu đánh giá, có thể sẽ phải ghép lợi, tái sinh mô,…
Với những trường hợp bị biến chứng nặng do tụt lợi kết hợp với bật chân răng khỏi xương hàm do bác sĩ không kiểm soát hướng di chuyển chóp răng có thể sẽ phải trồng răng mới. Chính vì vậy bạn cần hết sức thận trọng nếu phát hiện bị tụt lợi nhiều trong quá trình niềng răng.
1.6 Răng bị chết tuỷ do niềng răng
Tủy răng được xem như phần quan trọng nhất trong một chiếc răng, nó là nguồn cung cấp dinh dưỡng để nuôi răng chắc khỏe. Tủy được bao bọc bởi 2 lớp men và ngà răng ở bên ngoài, giúp bảo vệ tủy rất tốt. Có nhiều nguyên nhân gây ra chết tuỷ răng trong đó chỉnh nha chiếm rất ít nhưng không phải là không có.
Nguyên nhân gây chết tuỷ răng trong niềng răng là do kỹ thuật của bác sĩ không tốt, tác dụng lực mạnh lên răng làm tổn thương vùng quanh chóp gây hoại tử tuỷ.
2. Vậy nguyên nhân niềng răng hỏng là gì?
Chỉnh nha là một quá trình phức tạp, đòi hỏi cần kỹ thuật cao, cần nhiều thời gian. Chính vì thế niềng răng bị hỏng là một thất bại lớn nhất mà ngay cả bác sĩ cũng như khách hàng đều không mong muốn. Nguyên nhân niềng răng hỏng thường do:
- Bác sĩ chưa xác định được chính xác được tình trạng răng và xương hàm của bệnh nhân, dẫn tới việc lên phác đồ điều trị niềng răng không chính xác.
- Bác sĩ có tay nghề không tốt, kỹ thuật yếu, thậm chí là không có bằng cấp được gọi là tay ngang. Trong quá trình niềng răng bác sĩ không kiểm soát được lực tác động từ mắc cài tới răng, làm dịch chuyển răng quá mức khiến cho răng bị lung lay, mọc cụp vào bên trong hoặc nghiêm trọng hơn có thể bị bể vỡ.
- Bác sĩ có chỉ định tháo mắc cài và kết thúc quá trình niềng răng quá sớm
- Bệnh nhân ăn nhai, sinh hoạt không đúng theo sự hướng dẫn của bác sĩ, thường xuyên ăn các đồ dai, cứng làm bung sút mắc cài, dây cung.
- Có thể do cơ địa của mỗi người: xương hàm và các bộ phận trên khuôn mặt có những vấn đề bẩm sinh làm cho niềng răng không phát huy được hết tác dụng của mình.
3. Cách khắc phục khi niềng răng bị hỏng?
Tùy theo từng nguyên nhân khiến răng bị hỏng mà bác sĩ sẽ có các cách điều trị tương ứng như dưới đây:
- Nếu răng bị chết tủy bác sĩ sẽ lấy hết phần tủy bị chết, làm vệ sinh sạch sẽ buồng tủy và ống tủy sau đó trám bít ống tủy lại bằng vật liệu nha khoa chuyên dụng rồi tiếp tục niềng răng cho bệnh nhân như bình thường.
- Với trường hợp bị tụt lợi khi niềng răng thì bác sĩ có thể cho chỉ định ghép lợi, tái sinh mô hoặc điều chỉnh lại mắc cài để thay đổi hướng của răng sao cho phù hợp nhất.
- Với trường hợp bị tiêu chân răng đã quá nghiêm trọng thì sẽ rất khó để cứu răng thật được. Tuy nhiên bác sĩ vẫn có thể dùng phương pháp trồng răng implant để phục hồi lại thẩm mỹ và khả năng ăn nhai cho bệnh nhân.
- Các trường hợp khác liên quan tới kỹ thuật chỉnh nha như: lệch đường giữa, răng bị cụp, hở lợi, …. thì cần phải chỉnh nha lại lần thứ 2
Do bạn đã từng thực hiện niềng răng một lần, vì thế bác sĩ sẽ kỹ lưỡng hơn trong việc kiểm tra tình trạng răng của bạn. Nếu răng của bạn đang gặp phải những bệnh lý răng miệng thì trước hết cần phải được điều trị triệt để sau đó mới thực hiện niềng răng.
Nếu sau khi thăm khám, bác sĩ xác định răng bạn quá yếu không đảm bảo cho việc niềng răng, thì bạn cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ và lựa chọn một giải pháp phục hình răng khác phù hợp hơn như bọc răng sứ, mặt dán sứ Veneer…
Tuy nhiên, để việc thực hiện niềng răng lần 2 đạt được hiệu quả cao, tránh tình trạng niềng răng bị hỏng bạn nên cân nhắc và lựa chọn thật kỹ một địa chỉ nha khoa uy tín, chất lượng.
Đọc thêm: Làm thế nào để rút ngắn khoản thời gian niềng răng